Lý luận Kim_bản_vị

Những điểm cơ bản của lý luận bản vị vàng nằm ở lý luận theo David Hume rằng lạm phát là do lượng tiền mặt tăng lên và sự bất trắc của sức mua tiền tệ trong tương lai o bế lòng tự tin của doanh nghiệp và dẫn đến thương mại và đầu tư giảm sút. Luận điểm trung tâm của bản vị vàng là nó xóa đi sự bất trắc, sự không thống nhất giữa các loại tiền cũng như những giới hạn có thể trong tương lai. Các đối tác thương mại sẽ mang lại lợi ích to lớn cho một nền kinh tế bằng cách mở rộng thị trường của hàng hóa đó, bằng sự đáng tin cậy của tín dụng cung cấp cho nhau và bằng sự vững vàng của thị trường hàng hóa. Trong lý luận bản vị vàng, sự hạn chế tài chính và tiền tệ mà chính phủ phải tuân thủ là trung tâm của những lợi ích giành được. Những người cổ súy cho bản vị vàng tin rằng chính phủ là có hại cho nền kinh tế, nó can thiệp vào thị trường vốn vận hành hoàn hảo và hạn chế tự do cá nhân.

Các định nghĩa khác nhau về bản vị vàng

Nếu cơ quan quản lý tiền tệ giữ đủ vàng tương ứng với toàn bộ lượng tiền lưu thông, đó là chế độ bản vị vàng đầy đủ.

Một số người tin rằng không có một chế độ bản vị vàng nào khác ngoài chế độ bản vị đầy đủ. Bởi vì trong một chế độ bản vị vàng một phần (tức là không giữ đủ 100% vàng), sẽ có một lượng tiền mặt không được đảm bảo bằng vàng, nó có thể do cơ quan quản lý tiền tệ muốn thu hồi chi phí phát hành tiền (thuế đúc tiền) và vì thế gây ra lạm phát (bản vị vàng đầy đủ không có lạm phát). Những người khác, ví dụ những người ủng hộ kinh tế học trọng cung lại lý luận rằng cứ khi nào mà vàng còn được sử dụng làm phương tiện đo giá trị kinh tế thì khi đó là chế độ bản vị vàng.

Chế độ bản vị vàng đầy đủ không thể vận hành được bởi hai lý do:

  • Thứ nhất, lượng vàng trên thế giới là quá nhỏ so với lượng tiền cần thiết để duy trì hoạt động kinh tế toàn cầu.
  • Thứ hai, lượng tiền vừa đủ (có nghĩa là không gây lạm phát và cũng không giảm phát) không phải là cố định, nó biến động liên tục cùng với mức độ hoạt động thương mại.

Trong một quốc gia theo chế độ bản vị vàng, tiền xu vàng lưu thông như tiền và tiền giấy được đổi ra vàng trực tiếp theo giá thị trường (chính phủ không thể bắt buộc), tiền giấy giống như một tờ séc cho phép người cầm giữ nó quyền sở hữu một lượng vàng nhất định đang được quản lý bởi người phát hành tờ tiền đó.

Tuy nhiên, khi lượng vàng đổi được của tờ tiền giấy đó biến động có nghĩa là tờ tiền giấy trở thành tiền pháp định và sẽ thường xuyên giảm nội dung vàng. Đây là trường hợp chính phủ phát hành tiền không có vàng đảm bảo trong chiến tranh. Ví dụ của nó là những đồng đôla do chính phủ Liên bang phát hành trong Nội chiến Hoa Kỳ và tiền giấy của Áo trong thời kỳ Chiến tranh Napoleon. Sau thời gian chiến tranh, tiền lại được bảo đảm bằng vàng – tức là trở lại hệ thống tiền tệ kim bản vị.

Những người ủng hộ chế độ bản vị vàng chỉ ra rằng chế độ tiền luật định trước sau gì đều dẫn đến lạm phát do sự điều hành kém cỏi hoặc bởi chính phủ cứ in tiền ra để bù đắp thâm hụt ngân sách.

Hệ thống bản vị vàng quốc tế có thể tồn tại mà không có chế độ bản vị vàng ở bất kỳ quốc gia nào, khi đó vàng hoặc tiền tệ (đổi ra vàng ở tỷ giá cố định) được sử dụng là phương tiện thanh toán quốc tế. Ở chế độ này, khi tỷ giá tiền tệ dâng lên hay tụt xuống quanh ngưỡng đúc tiền (fixed mint rate) và chênh lệch tỷ giá này lớn hơn chi phí vận chuyển vàng giữa các nơi chênh lệch thì một lượng vàng lớn sẽ được luân chuyển cho đến khi tỷ giá trở về với ngưỡng chính thức là ngưỡng đúc tiền Các chế độ bản vị vàng quốc tế đều giới hạn số tiền mà các thực thể trong đó có quyền quy đổi lấy vàng. Dưới chế độ bản vị vàng Bretton Woods, số tiền này gọi là "quyền rút vốn đặc biệt" (Special Drawing Rights – SDRs).

Tác động của tiền tệ được đảm bảo bằng vàng

Sự cam kết duy trì khả năng chuyển đổi tiền ra vàng một cách chặt chẽ hạn chế quá trình tạo ra tín dụng. Tín dụng bởi các tổ chức ngân hàng dưới chế độ bản vị vàng đe dọa khả năng chuyển đổi của giấy bạc do họ phát hành và dẫn đến hậu quả là vàng bị rút ra khỏi các quỹ dự trữ của ngân hàng đó ngoài ý muốn. Kết quả của việc đánh mất sự tự tin làm cho

Sự ổn định nhờ bản vị vàng

Theo lý thuyết, bản vị vàng giới hạn quyền năng của chính phủ trong việc tạo ra lạm phát bằng cách bơm thêm tiền giấy vào lưu thông, mặc dầu vậy, có bằng chứng cho thấy trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, các nhà quản lý tiền tệ đã không mở rộng hay thu hẹp cung tiền ngay cả khi nước đó bị thất thoát vàng. Bản vị vàng tạo ra sự vững chắc của thương mại quốc tế do nó cung cấp một cơ cấu cố định tỷ giá tiền tệ. Sau các chế độ bản vị bạc mất giá liên tục của mười năm đầu thế kỷ 18, vàng được coi là sự thay thế tốt hơn và trở thành nguyên nhân, mục đích cho thương mại. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ 19, những lập luận chống lại bản vị vàng tạo ra xu hướng chính trị ở đa số các quốc gia công nghiệp nghiêng về những dạng tiền tệ dựa trên bạc, hoặc thậm chí là tiền giấy không thôi.

Dưới chế độ bản vị vàng cổ điển quốc tế, những biến động về giá ở một quốc gia sẽ được điều chỉnh một phần hoặc toàn bộ bởi cơ chế tự cân bằng thanh toán gọi là cơ chế dòng chảy giá cả-bản kim (bản kim ở đây là tiền xu vàng). Cơ cấu này như sau:

  • Đầu tiên, khi giá một loại hàng hóa giảm xuống nhờ cung tăng vọt, tăng hiệu quả vốn, giảm giá đầu vào hoặc do cạnh tranh, người mua sẽ nghiêng về hàng hóa đó nhiều hơn những hàng hóa khác. Bởi sự ổn định tỷ giá tiền-vàng, người tiêu dùng ở các nước khác sẽ mua hàng hóa được định giá thấp nhất và vì thế, vàng sẽ chảy về các nước có nền kinh tế hiệu quả nhất.
  • Lúc đó, quốc gia mới nhận luồng vàng đến phải tăng cung tiền tệ và chịu áp lực lạm phát vừa phải để bù lại việc giảm giá trước đó.
  • Đồng thời, lượng tiền lưu hành ở các nền kinh tế kém hiệu quả bị giảm đi, vì vậy giá cả ở các nước này giảm xuống cho đến khi sự cân bằng được khôi phục.

Các ngân hàng trung ương, với mục đích ngăn cản luồng vàng chảy đi, sẽ chống đỡ bằng cách tăng tỷ lệ lãi suất làm sao để đưa giá cả trở lại mức cân bằng quốc tế nhanh hơn. Về mặt lý thuyết, chừng nào còn duy trì bản vị vàng thì chừng đó hạn chế được lạm phát cao hoặc giảm phát ngoài tầm kiểm soát. Có một thời gian, người ta tin rằng các thị trường luôn luôn vận hành rạch ròi (xem nguyên lý Say). Sự giảm phát sẽ làm thay đổi giá của vốn trước tiên, có nghĩa là giá của vốn giảm và cho phép tăng trưởng nhanh hơn đồng thời giá cả về mặt dài hạn vẫn ổn định. Tuy nhiên, in trên thực tế, điều này lại không diễn ra mà tiền lương (giá của lao động), chứ không phải giá của tư bản, sẽ bị hạ xuống trước tiên.

Mô hình Mundell-Fleming

Theo kinh tế học tân cổ điển, mô hình Mundell-Fleming diễn tả động thái của các đồng tiền trong chế độ bản vị vàng. Do giá trị tiền tệ được gắn liền với hàm lượng vàng, những yếu tố tự do còn lại để điều tiết thị trường vốn-tiền tệ là (1) tự do di chuyển luồng vốn và (2) chính sách tài chính, tiền tệ. Một lý do khiến đa số các nhà kinh tế học vĩ mô hiện nay không ủng hộ sự trở lại của bản vị vàng là mối quan ngại hai yếu tố trên không đủ để đối phó với suy thoái hoặc giảm phát lớn. Việc xem xét tình huống lý thuyết vàng trở lại là cơ sở giá trị dẫn đến một câu hỏi là sự tín nhiệm của ngân hàng trung ương ra sao trong một cơ chế không dựa trên kim loại quý. Dẫu cho những phần thưởng lớn sẵn sàng trao cho ai giải được những câu hỏi trên, thì kỷ nguyên bản vị vàng của thế kỷ 19 và thế kỷ 20 vẫn là một giai đoạn mà cơ sở khác hẳn với cái cách hệ thống tiền tệ thả nổi ngày nay được đo đếm, xác định giá trị.

Mundell lập luận rằng vì trong một nền kinh tế công nghiệp, một lượng lớn tư bản không linh động, chế độ bản vị vàng quốc tế hoặc thậm chí là chỉ ở một quốc gia có thể được tái lập. Vẫn theo ông, điều này sẽ cho phép ngân hàng trung ương một phạm vi tự do đủ để giảm thiểu tác động tiêu cực của chu kỳ kinh tế. Nó sẽ giảm tỷ lệ lãi suất ở pha suy thoái và tăng trở lại để kiềm chế tăng trưởng nóng. Milton Friedman không thống nhất ở điểm này, ông nêu ra các tác động bởi tiền tệ về mặt lượng sẽ gây ra giảm phát trong hệ thống đó và các quốc gia thành công sẽ nhận ra lợi ích thu được ít hơn là Mundell kỳ vọng, bởi luồng vàng di chuyển đến một quốc gia sẽ gây lạm phát ở nước đó. Cuộc tranh luận này tương tự cuộc tranh luận của Adam Smith và David Hume trong thế kỷ 18 về việc tăng lượng tiền tệ có phải là một mục tiêu đáng thực hiện hay không.

Nhiều quốc gia chống lưng cho nền kinh tế bằng cách tích trữ vàng. Số dự trữ này không phải để bảo đảm giấy bạc được phát hành mà nó là tài sản bảo vệ tiền tệ khỏi tỷ lệ lạm phát cao. Những người cố súy cho vàng cho rằng không cần biện pháp này vì tiền tệ tự nó đã mang giá trị nội tại Bản vị vàng khi đó được khuyến khích bởi những người tin rằng một vật cất trữ giá trị ổn định là thành tố quan trọng nhất đối với sự an tâm trong kinh doanh.

Nói chung thì ngày nay đại đa số các chính phủ và các nhà kinh tế không ủng hộ bản vị vàng, vì chế độ này thường cho thấy là không tạo đủ sự linh hoạt cho nguồn cung tiền tệ và chính sách tài khóa. Và lý do của việc này là ở chỗ nguồn cung cấp vàng mới (tức là nguồn cung cấp thêm tiền tệ dưới chế độ bản vị vàng) thì giới hạn và phải được sử dụng một cách căn cơ.

Một quốc gia đơn lẻ không thể cách li nền kinh tế của nó với những biến động suy thoái và lạm phát của thế giới. Thêm vào đó, quá trình điều chỉnh thâm hụt chi tiêu ở một quốc gia có thể lâu dài và đau đớn khi mà tỷ lệ thất nghiệp gia tăng hoặc thụt lùi tốc độ phát triển kinh tế.

Trong số những người phản đối mạnh mẽ, John Maynard Keynes nhấn mạnh vào điểm bản vị vàng dựa vào kim loại cứng nhắc. Những người ủng hộ trường phái của ông cho rằng bản vị vàng gây ra giảm phát, điều khiến suy thoái càng trầm trọng bởi người ta không muốn đầu tư khi giá cả giảm xuống, vì vậy mà xương sống của hoạt động kinh tế càng bị sức ép. Cũng theo họ, chế độ bản vị tước đi khả năng chống lại khủng hoảng kinh tế đó là khả năng tăng cung tiền tệ để thúc đấy kinh tế khôi phục.

Trái lại, những tín đồ của bản vị vàng chỉ ra rằng kỷ nguyên công nghiệp hóa và toàn cầu hóa của thế kỷ 19 là bằng chứng của sự tính thực tiễn và ưu việt của chế độ bản vị vàng và nêu ra rằng nước Anh đã đi lên vị trí đế vương, cai trị gần một phần tư dân số thế giới và xây dựng đế quốc thương mại mà ngày nay là Khối thịnh vượng chung Anh.

Những kẻ ky cóp vàng (goldbug) lấy nó là vật bảo vệ trước sự lạm phát giá cả hàng hóa và là biểu hiện cội nguồn của tài nguyên. Vì vàng có thể đổi ra bất kỳ đồng tiền nào, được chấp nhận ở mọi quốc gia trên thế giới, họ xem vàng là vật bảo đảm trước sự phiêu lưu của các ngân hàng trung ương trong chính sách tiền tệ và vàng là phương tiện chống rủi ro biến động tiền tệ. Với lập luận này, họ cho rằng cuối cùng thì chế độ vàng sẽ trở lại vì nó là vật mang giá trị ổn định duy nhất.

Ngày nay, không nhiều nhà kinh tế học ủng hộ việc trở lại bản vị vàng trừ trường phái kinh tế học Áo và trường phát trọng cung. Tuy vậy nhiều nhà kinh tế lớn đồng tình với việc lấy kim loại là cơ sở của tiền tệ, đồng thời lập luận chống lại tiền luật định. Trong số này có Alan Greenspan - người từng đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang trong 19 năm, và nhà kinh tế học vĩ mô Robert Barro. Năm 2000, Greenspan đã phát biểu: "nếu anh sống trong chế độ bản vị vàng hoặc một cơ chế khác mà các ngân hàng trung ương không có quyền thao túng, thì hệ thống đó vận hành một cách tự động. Lý do mà có rất ít sự ủng hộ bản vị vàng đó là những hệ quả của sự tự điều chỉnh đó không được coi là thích đáng ở thế kỷ 20 và 21. Tôi là một trong số ít người vẫn còn cái nhìn lưu luyến về chế độ bản vị vàng ngày xưa, anh biết điều này rồi, nhưng tôi vẫn phải nói với anh, tôi ở trong đám thiểu số giữa các đồng nghiệp vẫn tranh luận về vấn đề này."[1] Hệ thống tiền tệ ngày nay dựa vào đồng đôla Mỹ như một đồng tiền để neo vào, đồng tiền mà các giao dịch lớn được đo lường. Những bất ổn tiền tệ, không thể quy đổi và hạn chế tiếp cận tín dụng là số ít trong những lý do vì sao mà hệ thống tiền tệ ngày nay bị chỉ trích. Một loạt các giải pháp thay thê đã được đề xuất, bao gồm cả tiền tệ dựa trên năng lượng, giỏ hàng hóa hoặc giỏ tiền tệ; vàng cũng chỉ là một trong những giải pháp đó.

Lý do các lựa chọn này không được thực hiện trên thực tế cũng là lý do mà hệ thống bản vị vàng sụp đổ: tỉ lệ chuyển đổi cố định do chính phủ định ra không có mối liên hệ hữu cơ nào giữa cung và cầu về vàng và cung và cầu về hàng hóa.

Vì vậy, bản vị vàng có xu hướng bị bãi bỏ khi các chính phủ nhận thấy việc bỏ qua nó có lợi ích hơn. Thực chất, bản vị vàng không có nghĩa là các quốc gia không thể chuyển sang tiền luật định khi có chiến sự hoặc trong các tình trạng khẩn cấp khác. Điều này vẫn xảy ra mặc dù vàng tăng giá trong các tình huống như vậy vì mọi người thường sử dụng vàng để tích trữ vì lo sợ rằng tiền luật định thường cho phép lạm chi và do đó thường dẫn tới lạm phát hoặc sử dụng tem phiếu.

Khó khăn về thực tiễn là vàng hiện tại không được phân phối theo sức mạnh kinh tế cũng là một yếu tố: Nhật Bản là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, lại có dự trữ vàng ít hơn rất nhiều so với cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế này.

Năm 1996, hệ thống tiền vàng điện tử (e-gold) được phát hành riêng với nỗ lực lập lại bản vị vàng và tạo ra một hệ thống tiền tệ toàn cầu mới. Các hệ thống tiền vàng điện tử khác cũng lần lượt ra đời như e-BullionGoldMoney.

Năm 2001 Thủ tướng Malaysia Mahathir bin Mohamad đề xuất một đồng tiền mới mà dự kiến sẽ được áp dụng đầu tiên với trao đổi thương mại giữa các nước đạo hồi. Đồng tiền được đề xuất có tên là dinar vàng hồi giáo và được xác định là 4,25 gram vàng 24 cara (100%). Mahathir Mohamad đưa ra khái niệm này trên cơ sở lợi ích về kinh tế của đồng tiền là có cơ sở ổn định và là một biểu tượng chính trị để nâng cao đoàn kết giữa các nước hồi giáo. Một mục tiêu có thể suy diễn của hành động này là giảm phụ thuộc vào đồng Đô la Mỹ để dự trữ tiền tệ, và để thiết lập một đồng tiền không dựa trên nợ tuân theo luật Hồi giáo cấm tính lãi suất. Tuy vậy, đồng tiền dinar vàng này vẫn chưa trở thành hiện thực.[2]